Người đẹp và khu rừng huyền thoại
Thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2016 chiều 11/8 xuống du thuyền 4 sao “Made in Việt Nam”, bắt đầu hành trình xuyên qua rừng Sác huyền thoại.
Đi trong rừng Sác.
Anh Nguyễn Hữu Trước, hướng dẫn viên, kể cho cả đoàn về rừng Sác - nơi ghi dấu những chiến công của lực lượng đặc công Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, với lợi thế gần trung tâm Sài Gòn, nằm trên tuyến đường vận tải quan trọng của kẻ địch, rừng Sác được chọn là địa điểm đóng quân của Trung đoàn 10 - đơn vị đặc công chủ lực.
Những người lính đặc công đã dùng chiến thuật thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá tại chiến khu rừng Sác để tiến công vào các cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trong những chiến công của đặc công rừng Sác có trận đánh chìm tàu Victoria chở hơn 100 xe thiết giáp, 2 máy bay trực thăng cùng hơn 10 nghìn tấn vũ khí vào năm 1966; trận đốt cháy kho xăng Nhà Bè năm 1973, phá huỷ hơn 140 triệu lít nhiên liệu…
Những trận đánh của đặc công rừng Sác đã góp phần quan trọng cho chiến thắng của quân dân miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975. Tuy nhiên, để có được những chiến công oai hùng đó, hơn 800 chiến sỹ đặc công đã ngã xuống.
Đi thăm căn cứ chiến khu rừng Sác, người đẹp Trần Thị Thu Hiền nói: “Em đã từng đọc, từng nghe, nhưng khi được tận mắt chứng kiến những mô hình tái hiện cuộc sống của các cô chú năm xưa mới thấy được công lao và sự hy sinh to lớn. Chỉ với những vũ khí, phương tiện thô sơ mà các chú, các cô vẫn trụ vững và làm nên nhiều trận đánh oai hùng”.
Trong cái nắng ban trưa rát mặt, các thí sinh cùng BTC đến thắp hương trước các ngôi mộ nằm trong nghĩa trang rừng Sác. Quản trang Vũ Minh Sơn kể rằng, sau khi đất nước thống nhất, ông tình nguyện làm quản trang để chăm sóc mộ phần các chiến sỹ đặc công.
Ông nói: “Các chiến sỹ ngày xưa cũng trẻ trung như các người đẹp này. Nếu không có chiến tranh thì có lẽ cuộc đời họ đã khác, nhưng vì Tổ quốc, họ đã chọn con đường sẵn sàng hy sinh. Hôm nay, tôi tin vong linh các liệt sỹ sẽ rất vui vì thế hệ đi sau vẫn nhớ tới sự hy sinh của họ”.
Rời nghĩa trang rừng Sác, các thí sinh bước lên chiếc du thuyền đang neo lại nơi cuối dòng Lòng Tàu để bắt đầu hành trình khám phá một góc khác của TPHCM. Du thuyền lướt đi chầm chậm trong nắng chiều; khung cảnh thiên nhiên hoang dã, thơ mộng với những rừng đước xanh ngắt hiện ra.
Vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, để xoá sổ căn cứ rừng Sác, chính quyền Sài Gòn đã trút xuống vùng đất này hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn. Những đợt oanh tạc dài ngày khiến cho nơi đây trở nên hoang tàn. Rừng Sác có thêm cái tên “vùng đất chết” bởi không sinh vật nào có thể sống nổi sau khi bom đạn cày ải.
Thí sinh trước tượng đài chiến sĩ đặc công rừng Sác. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hồi sinh “vùng đất chết”
Sau năm 1975, một trong những nhiêm vụ quan trọng của lực lượng thanh niên xung phong TPHCM là hồi sinh “vùng đất chết”. Chỉ với hai bàn tay, hàng ngàn thanh niên xung phong đã tiến quân vào rừng Sác, trồng hàng triệu cây giống.
Sau hơn 10 năm, dự án hồi sinh Rừng Sác đã thành công khi những cây non bám rễ, biến Cần Giờ thành khu sinh quyển cho miền Đông Nam bộ và giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO bảo vệ. Nhiều loài thú hoang, quý hiếm tự tìm về, sinh sôi nảy nở.
Ông Nguyễn Như Hoá, cư dân Cần Giờ, một trong những người tham gia trồng rừng vào đầu những năm 80, nói: “So với các bạn trẻ bây giờ, điều kiện của chúng tôi khó khăn, thiếu thốn hơn nhiều. Chúng tôi chỉ có hai bàn tay và sự quyết tâm mạnh mẽ để hoàn thành công việc được giao. Tôi tin các bạn trẻ hiện nay sẽ làm tốt hơn chúng tôi bởi ngoài sức trẻ, các bạn ấy còn có tri thức”.
Cần Giờ đã thành khu sinh quyển của khu vực nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn nghèo. Đò giang cách trở khiến cho kinh tế Cần Giờ chậm phát triển. Mục tiêu của Cần Giờ hiện nay là tập trung vào mũi nhọn phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, cho rằng, với lợi thế rừng sinh quyển và lịch sử oai hùng, Cần Giờ là một vùng đất du lịch tiềm năng. Địa phương đã nỗ lực thu hút đầu tư. Một trong những doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, khai thác vẻ đẹp và lợi thế sông nước nơi đây là Cty Du lịch Địa Trung Hải. Với chiếc du thuyền King Yacht, những người làm du lịch mong muốn đưa rừng Sác đến gần hơn với du khách.
Chị Lưu Thị Hồng Diễm, từng là giáo viên dạy Văn tại một trường trung tâm ở TPHCM, đã đầu tư xây dựng King Yacht và tour đường sông Sài Gòn - Cần Giờ. Chị Diễm tự hào cho biết, đây là chiếc du thuyền do chính những kỹ sư Việt Nam đóng và là con tàu composite lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Du thuyền hiện đại nhưng lại mang đến cho du khách những trải nghiệm mang đậm chất cổ truyền dân tộc. “Hy vọng qua chuyến trải nghiệm đầy thú vị này, những người đẹp sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của vùng đất Cần Giờ và sẽ góp phần cùng chúng tôi quảng bá cho sự phát triển của vùng đất anh hùng này”, chị nói.
Chiếc du thuyền lại xuôi chầm chậm. Ngang qua những cánh rừng ngập mặt xanh tươi, ngã ba sông “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”, du thuyền đi vào trung tâm thành phố.
Theo: Tiền Phong